ĐĂNG NHẬP

Kiến nghị
Nội dung kiến nghị:
Kính gửi: Bộ Tư pháp Tôi đề nghị Bộ Tư pháp xem xét có ý kiến về thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục công chứng, nội dung như sau: Ngày 22/02/2024, tôi có phản ánh đến UBND tỉnh Hải Dương trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về thủ tục giấy tờ khi người dân thực hiện công chứng (theo tôi không nhất thiết bắt buộc hồ sơ phải có trích lục khai sinh, người dân có thể sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do cơ quan công an cấp để làm cơ sở chứng minh mối quan hệ nhân thân) để tạo điều kiện cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngày 29/02/2024, tôi nhận được Văn bản trả lời của Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương nội dung trả lời như sau: “Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương nhận được kiến nghị của ông về nội dung Văn phòng công chứng tại huyện Gia Lộc khi tiếp nhận hồ sơ khai nhận và phân chia di sản thừa kế đã yêu cầu ông phải xuất trình Bản sao giấy khai sinh của những người cùng khai nhận di sản thừa kế để chứng minh mối quan hệ nhân thân, Sở Tư pháp trả lời ông như sau: Căn cứ Điều 651 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì người thừa kế theo pháp luật là những người có mối quan hệ về hôn nhận, huyết thống hoặc nuôi dưỡng như: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết… Việc chứng minh các mối quan hệ nêu trên cần xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật hộ tịch, Luật nuôi con nuôi, cụ thể như sau: quan hệ về hôn nhân (Giấy chứng nhận kết hôn), quan hệ về huyết thống (Giấy khai sinh); quan hệ về nuôi dưỡng (Giấy chứng nhận/Quyết định nuôi con nuôi). Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 57; khoản 2 Điều 58 và Điều 59 Luật Công chứng 2014 thì đối với trường hợp công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản, khi yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế; công chứng viên phải kiểm tra và xác định những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc không có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng… Hiện nay, chưa có quy định về Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư thay thế Giấy khai sinh. Do đó, việc Công chứng viên yêu cầu ông xuất trình Giấy khai sinh để chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế trong các thủ tục liên quan đến thừa kế là đảm bảo tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.” (Có văn bản trả lời kèm theo) Là công dân, tôi xét thấy nội dung trả lời của Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương mới chỉ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Hộ tịch) nhưng chưa đúng với tinh thần cải cách hành chính theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển … xã hội số; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 2.1. Khẩn trương khắc phục những nhiệm vụ chậm tiến độ đã đề ra. a) Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp … 5. Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc tịch, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 6 năm 2024. Chủ trì, phối hợp Bộ Công an triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế trước khi đề xuất nhân rộng trên toàn quốc, hoàn thành trong Quý I năm 2024. …” Như vậy, cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương không tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định mối quan hệ nhân thân mà yêu cầu bắt buộc phải có Giấy khai sinh (trong khi thực hiện đăng ký lại việc sinh của anh, chị em sinh những năm trước năm 1975 hiện nay xã không còn lưu hồ sơ hộ tịch gặp rất nhiều khó khăn) mới thực hiện công chứng là chưa đúng với nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, tại nơi tôi đang cư trú có nhiều trường hợp không có giấy khai sinh, người dân sử dụng bản khai mối quan hệ nhân thân được UBND xã, phường chứng thực để chứng minh mối quan hệ nhân thân vẫn được Phòng công chứng (Văn phòng công chứng) chấp nhận. (Điều 57 Luật công chứng không ghi rõ phải có Giấy khai sinh mà chỉ quy đinh trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế) Từ thực tế nêu trên, tôi đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, có ý kiến về việc sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do cơ quan công an cấp để làm cơ sở chứng minh mối quan hệ nhân thân khi làm thủ tục công chứng tại các Phòng công chứng (Văn phòng công chứng) để tạo điều kiện cho người dân. Trong lúc chờ quý Bộ xem xét, giải quyết. Tôi xin chân thành cảm ơn!
File đính kèm:
Cơ quan chức năng trả lời:
Ngày 26/03/2024, Bộ Tư pháp có Văn bản số 1478/BTP-BTTP trả lời Công dân Tăng Tiến Thiện